Ngày 17/02/2021
Kim cương, Mossanite, CZ, Vàng Ý, vàng Tây, vàng ta, bạch kim, Thu đổi hay không thu đổi !? Chắc hẳn bạn đã từng thắc mắc và cảm thấy khó hiểu với những khái niệm này đúng không? Hãy cùng Tierra giải đáp nhé !
💎 ĐẦU NĂM NÓI CHUYỆN KIM CƯƠNG 💎
Bên cạnh việc tạo ra những chiếc nhẫn đẹp, Tierra luôn mong muốn được chia sẻ kiến thức về kim cương và trang sức kim cương một cách chân thật, dễ hiểu. Tierra tin rằng, khi và chỉ khi thật sự am hiểu, khách hàng mới có thể đưa ra những lựa chọn hợp lý và nhận được giá trị xứng đáng với số tiền mình bỏ ra. Vì vậy, năm mới này, Tierra bắt đầu chuyên mục #TierraTalk – cùng Tierra nói chuyện Kim cương để gắn kết, trao đổi và giải đáp nhiều hơn những thắc mắc của mọi người về Tierra nói riêng cũng như ngành trang sức kim cương nói chung.
HÃY BẮT ĐẦU VỚI SỐ ĐẦU TIÊN NÀO …
#TierraTalk – Số 1
☝1. Kim cương, Mossanite, CZ, … ?
Nhiều khách hàng mới thường mở đầu câu chuyện với Tierra bằng câu hỏi: “Kim cương này là kim cương gì?”. Tierra Diamond có niềm đam mê và sự chú tâm duy nhất đến KIM CƯƠNG THIÊN NHIÊN mà thôi, bởi vì không có loại đá nào có thể thay thế được Kim cương Thiên nhiên khi xét trên cả 3 góc độ về tính tuý, tính hiếm và ý nghĩa trong văn hóa đại chúng. Cũng vì Kim cương là niềm khát khao nên không có loại đá nào bị “mượn tên” nhiều như nó! Kim cương – Diamond là Kim cương chứ KHÔNG PHẢI và không có bất cứ liên hệ nào đến những loại đá khác như CZ, Mossanite, … Nhiều người bán trên thị trường và cả người mua vẫn hay huyễn hoặc nhau bằng những cái tên như Kim cương Mossanite, Kim cương CZ, … thậm chí dù có gắn nó với một thương hiệu nổi tiếng như Swarov***, hay kể cả là ép vỉ, làm cái giấy kiểm định thật ngầu, dùng bộ tiêu chuẩn 4C để ghi thông số đi nữa, thì Mossanite, CZ hay những loại đá tương tự vẫn mãi mãi không phải là Kim cương. Những loại đá này có giá trị thấp hơn rất rất nhiều lần và càng ngày càng mất đi vẻ đẹp cùng giá trị theo thời gian.
Làm sao để phân biệt Kim cương và các loại đá khác thì Tierra sẽ có những bài riêng, chuyên sâu hơn. Ở đây, Tierra muốn bạn nhớ rằng: “Kim cương là Kim cương!” Nếu ai đó cố gắng “mượn tên” kim cương và đi gắn vào những thứ đá khác thì bạn nên đặt dấu hỏi ngay về tính minh bạch cũng như dụng ý của họ.
✌2. Vàng Ý, vàng Tây, vàng ta, bạch kim … ?
Dân Việt ta quá ư là sáng tạo và quá giỏi chơi chữ. Vàng thì nào là Vàng Tây, Vàng Ta, Vàng Ý, Vàng Âu Mỹ, Vàng Hongkong … rồi nào là Vàng Trắng, Vàng Hồng, Bạch Kim, … Nhiều vậy nên hỏi sao rất nhiều chị em, và đặc biệt mấy anh đi mua nhẫn cầu hôn cho người yêu thấy loạn quá là loạn.
Tierra nói như vầy cho cả nhà dễ hiểu nè. Có 2 thứ đáng để bạn lưu tâm: 1 là KIM LOẠI và 2 là HÀM LƯỢNG của kim loại ấy. Thường trang sức cao cấp được chế tác bằng Vàng (kí hiệu hóa học là Au) hoặc Bạch Kim (tên tiếng anh là Platinum, kí hiệu hóa học là Pt). Hàm lượng là % kim loại quý (ở đây là Au hoặc Pt) trong hợp kim chế tác nên trang sức. Ít khi người ta dùng Vàng hay Bạch Kim nguyên chất 100% để làm trang sức vì tuy là kim loại quý nhưng chúng đều có những nhược điểm như độ cứng, độ bền, độ bóng, màu sắc, … Do đó, người ta thường pha thêm các kim loại, phụ gia khác (gọi chung là “hội”) ở tỷ lệ phù hợp để khắc phục những điểm yếu đó. Hàm lượng có khi được gọi một cách trực tiếp ví dụ Au 750 (75% vàng) hay Pt 900 (90% Bạch Kim); cũng có nơi tính theo Karat ví dụ 24K, 18K, 14K, 10K … Muốn quy đổi Karat sang chuẩn % thì bạn cứ lấy Karat / 24 là ra hết, ví dụ Vàng 18K là 18/24 = 75% Vàng, tương đương Au 750.
Còn Vàng Trắng, Vàng Hồng, Vàng Vàng, … là chỉ màu sắc của hợp kim vàng mà thôi. Không phải cứ nói Vàng Trắng thì mặc định nó là 18K; lại càng không phải Vàng trắng là Bạch Kim như nhiều người hay lầm tưởng nha !
Đấy, đơn giản vậy thôi. Cứ nắm chắc chiếc nhẫn của mình được chế tác từ Kim loại gốc là gì và Hàm lượng bao nhiêu là bạn có thể an tâm rằng mình không có bị trả tiền hớ. Còn ngưòi bán họ kêu Tây Tàu, Âu Mỹ gì thì thì cứ kệ họ. Âu cũng có âu này âu nọ, Mỹ cũng có Mỹ xịn hay Mỹ tho … Âu Mỹ gì cho oai mà không đúng hàm lượng, vàng thiếu tuổi, chế tác không đẹp, kim cương tấm không xịn thì đều vứt đi cả.
👌3. Thu đổi hay không thu đổi ?
Cái vụ đổi trả này là thứ mà Tierra thấy “bá đạo” nhất của ngành kim hoàn Việt Nam mà không phải nơi nào cũng có, kể cả mấy hãng nổi tiếng cả trăm năm như Tiff*** hay Cart***. Tất nhiên, chính sách thu đổi luôn hướng đến mục tiêu có lợi cho người mua. Tierra tin rằng bên cạnh chất lượng sản phẩm bền đẹp thì “thu đổi” là điều tối quan trọng khi mua trang sức kim cương.
Tierra từng thấy rất nhiều khách hàng phải vất vả đi rao vặt để bán món trang sức hay viên kim cương của mình vì cái ông bán dạo nào đấy hồi xưa “bể” rồi, đi đâu mất tiêu. Tierra cũng nhiều lần được năn nỉ là thu giúp chiếc nhẫn cũ hay viên kim cương cũ của khách (không mua ở Tierra) nhưng rất tiếc là không thể hỗ trợ được (do quá trình kiểm định lại rất phức tạp, hoặc nếu thu theo giá nguyên liệu thì thiệt thòi cho khách hàng quá nên cũng áy náy). Nói ra để thấy, nhiều khi bạn ham rẻ được một vài đồng mà sau này cực và lỗ gấp trăm khi đơn vị bán hàng không tin cậy và không giữ đúng cam kết.
Vậy lúc nào cũng phải thu đổi ? Thật ra là không hẳn, vì khi bạn “mua đứt” (tức là cửa hàng không cam kết thu đổi – chỉ nhận kí gửi bán dùm) thì mức giá sẽ có thể rẻ hơn được một vài % – con số này sẽ đặc biệt lớn đối với những viên kim cương có giá trị cao. Điều này cũng dễ hiểu vì với chính sách thu đổi, một người bán uy tín sẽ gắn chặt với bạn bởi một cam kết vĩnh viễn, luôn phải sắp xếp, đảm bảo năng lực tài chính để thực hiện cam kết ấy với bạn. Ngược lại, hầu như bạn chỉ đang trả tiền để thuê viên kim cương hay món trang sức mà lúc nào chán bạn cũng có thể đem đổi lấy món khác hoặc trả lại để lấy tiền về (nhiều khi khoản tiền “thuê” này chỉ ngang một tô phở mỗi ngày !!!). Như vậy, bạn chỉ nên “mua đứt” khi bạn không màng về việc đổi trả về sau, có thể do ý nghĩa thiêng liêng nên bạn muốn giữ nó mãi mãi, hoặc giá trị của nó không đáng gì so với tài sản bạn có, hoặc bạn tin rằng mình có khả năng tự bán lại (thật ra với những viên kim cương có giấy kiểm định quốc tế thì bạn hoàn toàn có thể bán lại ở Việt Nam hay nước ngoài với giá hợp lý!).
Dù bạn muốn được “cam kết thu đổi” hay “mua đứt” thì điều quan trọng là sự minh bạch, rõ ràng. Nếu bạn cần “thu đổi” thì điều cần cân nhắc thật ra không nằm ở những con số % mà nằm ở việc bạn đánh giá thế nào về sự NGHIÊM TÚC, UY TÍN và NĂNG LỰC thực hiện cam kết lâu dài của đơn vị bán hàng. Một anh bán dạo nào đó có hứa với bạn sẽ thu lại 98-99% hay thậm chí 100% giá trị cũng sẽ chẳng có ý nghĩa gì nếu một ngày đẹp trời anh ta biến mất hoặc thừa nhận rằng mình không có tiền sẵn để thanh toán và thu lại món hàng đã bán.
…
Kì 1 trả lời có 3 câu mà đã quá dài rồi nên hẹn cả nhà tiếp ở mấy kỳ sau. Nếu bạn có thắc mắc hay điều gì muốn trò chuyện cùng Tierra hãy để lại lời nhắn, Tierra sẽ tổng hợp và đưa nó vào chủ đề của những lần tới. Đừng quên theo dõi website và fanpage Tierra Diamond để không bỏ lỡ bất kỳ số #TierraTalk nào sắp tới nhé.
Happy Tết Tân Sửu 2021 !
From Tierra team with ❤
Xem thêm những bài viết khác tại đây:
Bí quyết chọn nhẫn cầu hôn thiên nhiên – Nàng mãn nguyện, chàng hạnh phúc
Mua nhẫn kim cương ở đâu ở Hồ Chí Minh? Kim cương như thế nào là đẹp?
Những mẫu nhẫn cưới được yêu thích nhất – Nhẫn cưới kim cương minh chứng cho tình yêu bất diệt
Khám phá những mẫu nhẫn cưới độc-đẹp nhất: